Giáo án Ngữ văn Lớp 8 - Tiết 77: Văn bản "Quê hương" - Năm học 2021-2022 - Nguyễn Thị Thu Hương

Giáo án Ngữ văn Lớp 8 - Tiết 77: Văn bản "Quê hương" - Năm học 2021-2022 - Nguyễn Thị Thu Hương

A. Mục tiêu cần đạt

1. Kiến thức:

- Nguồn cảm hứng lớn trong thơ Tế Hanh nói chung và ở bài thơ này: tình yêu quê hương đằm thắm.

- Hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của con người và sinh hoạt lao động; lời thơ bình dị, gợi cảm xúc trong sáng, tha thiết.

2. Năng lực

- Năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực đọc diễn cảm, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tự quản bản thân.

- Phân tích được những chi tiết miêu tả, biểu cảm đặc sắc trong bài thơ.

3. Phẩm chất

- GD học sinh lòng yêu lao động và yêu quê hương đất nước.

B. Thiết bị dạy học và học liệu

1. Phần mềm

- Phần mềm vẽ sơ đồ tư duy

- Phần mềm Camtasia

- Phần mềm Adobe photoshop, Premiere, Affer effects,

2. Học liệu

- Sách giáo khoa, sách giáo viên

- Âm thanh nguồn tại thư viện nhạc miễn phí youtobe

- Hình ảnh tìm qua Google.

3. Thiết bị dạy học

- Giáo viên (GV): máy tính, máy chiếu đa năng, loa

- Học sinh (HS): Điện thoại, máy tính, Ipad, cam, mic, TV

 

doc 13 trang Hà Thảo 21/10/2024 40
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn Lớp 8 - Tiết 77: Văn bản "Quê hương" - Năm học 2021-2022 - Nguyễn Thị Thu Hương", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GIÁO ÁN DỰ THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ
NĂM HỌC 2021 - 2022
Môn: Ngữ văn - Tiết 77 – Văn bản Quê hương - Tế Hanh
Họ và tên giáo viên: Nguyễn Thị Thu Hương
Đơn vị: Trường THCS Trần Hưng Đạo – Thành phố Hải Dương - tỉnh Hải Dương
Tiết 77: 
Văn bản: QUÊ HƯƠNG
 (Tế Hanh)
A. Mục tiêu cần đạt
1. Kiến thức: 
- Nguồn cảm hứng lớn trong thơ Tế Hanh nói chung và ở bài thơ này: tình yêu quê hương đằm thắm.
- Hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của con người và sinh hoạt lao động; lời thơ bình dị, gợi cảm xúc trong sáng, tha thiết.
2. Năng lực
- Năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực đọc diễn cảm, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tự quản bản thân. 
- Phân tích được những chi tiết miêu tả, biểu cảm đặc sắc trong bài thơ.
3. Phẩm chất
- GD học sinh lòng yêu lao động và yêu quê hương đất nước.
B. Thiết bị dạy học và học liệu
1. Phần mềm
- Phần mềm vẽ sơ đồ tư duy 
- Phần mềm Camtasia 
- Phần mềm Adobe photoshop, Premiere, Affer effects, 
2. Học liệu
- Sách giáo khoa, sách giáo viên
- Âm thanh nguồn tại thư viện nhạc miễn phí youtobe
- Hình ảnh tìm qua Google. 
3. Thiết bị dạy học
- Giáo viên (GV): máy tính, máy chiếu đa năng, loa 
- Học sinh (HS): Điện thoại, máy tính, Ipad, cam, mic, TV 
1. Hoạt động 1: Khởi động
a)Mục tiêu:Giúp học sinh huy động những kiến thức đã học ở bài trước để kết nối vào bài học, tạo tâm thế và định hướng chú ý cho học sinh.
b) Nội dung:Giáo viên hướng dẫn học sinh xác định vấn đề cần giải quyết qua thực hiện nhiệm vụ GV giao
c) Sản phẩm: Phần kiến thức cũ của HS
d) Tổ chức thực hiện:
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:
	Trong mỗi chúng ta, tình cảm với quê hương luôn là những tình cảm thiêng liêng và sâu nặng. Nếu một ngày nào đó phải xa quê thì tình cảm của em dành cho quê hương như thế nào và những hình ảnh nào của quê hương sẽ đọng lại trong tâm trí em?
2 HS trả lời.
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập
 Học sinh: suy nghĩ và trả lời cá nhân 
Bước 3: báo cáo kết quả
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
- Học sinh nhận xét, đánh giá, bổ sung.
- GV nhận xét, dẫn dắt vào bài học:
GV: Các em ạ, con người ta sinh ra ai cũng có một miền quê để thương nhớ. Với bạn.... quê hương là...
Với cô, .... tình yêu quê hương luôn là mạch nguồn bất tận cho thi ca. Và hôm nay, chúng ta cùng đồng điệu với tình yêu quê hương nồng hậu của người con vạn chài – Tế Hanh qua bài thơ Quê hương. 
2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới
Nhiệm vụ 1: Giới thiệu chung
a)Mục tiêu:
- Học sinh nắm được những thông tin chung về tác giả và tác phẩm
b) Nội dung:Giáo viên hướng dẫn học sinh xác định vấn đề cần giải quyết qua thực hiện nhiệm vụ theo hệ thống câu hỏi khai thác chú thích sgk
c) Sản phẩm: Phần làm việc và câu trả lời của HS 
+ Nêu được thông tin về tác giả
+ Nêu được hoàn cảnh sáng tác văn bản
d) Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của giáo viên và học sinh
Nội dung cần đạt

GV chiếu tranh chân dung Tế Hanh.
 ? Nếu được giới thiệu về nhà thơ Tế Hanh, em sẽ nói gì.
GV chuyển ý: Như cô vừa giới thiệu, quê hương là mạch nguồn cảm xúc chảy suốt cuộc đời thơ Tế Hanh. Và một trong những tác phẩm tiêu biểu khơi nguồn cho cảm hứng ấy là bài thơ Quê hương. Cô cùng các em sang phần 2.
? Hãy giới thiệu hoàn cảnh ra đời và xuất xứ bài thơ Quê hương.
? Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt của nó.
GV: Thể thơ 8 chữ với phương thức biểu đạt biểu cảm kết hợp tự sự và miêu tả đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc trữ tình của nhà thơ như thế nào, chúng ta chuyển sang phần II.
I. Giới thiệu chung 
1.Tác giả
- Tế Hanh (1921- 2009), quê ở làng Đông Yên phủ Bình Sơn nay là xã Bình Dương huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi.
- Tế Hanh có mặt trong phong trào Thơ mới ở chặng cuối nhưng vẫn có đóng góp không nhỏ vào thành tựu của thơ Mới.
- Thơ ông mang nặng tình yêu quê hương thắm thiết. Quê hương là mạch nguồn cảm xúc dạt dào chảy suốt đời thơ Tế Hanh. Vì vậy mà ông được mệnh danh là “nhà thơ của quê hương”.
- Sự nghiệp sáng tác của ông khá phong phú với các tác phẩm chính: các tập thơ: Hoa niên (1945), Gửi miền Bắc (1955), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966),...
- Năm 1996, ông được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
2.Văn bản
- Hoàn cảnh sáng tác: năm 1939, khi tác giả đang học ở Huế.
- Rút trong tập Nghẹn ngào (1939), sau in lại trong tập Hoa niên xuất bản 1945.
- Thể thơ: 8 chữ
- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm kết hợp tự sự và miêu tả.
*Ghi nhớ (Sách giáo khoa trang 18)
II. Đọc hiểu văn bản
Nhiệm vụ 2: Đọc - hiểu văn bản
a)Mục tiêu:
- Học sinh nắm được những kiến thức cơ bản của văn bản, tìm hiểu được chú thích, thể thơ, chia bố cục và bức tranh thiên nhiên.
b) Nội dung:Giáo viên hướng dẫn học sinh xác định vấn đề cần giải quyết qua thực hiện nhiệm vụ khai thác văn bản.
c) Sản phẩm: Phần làm việc và câu trả lời của HS 
d) Tổ chức thực hiện
Hoạt động của GV và HS
Nội dung cần đạt
? Theo em nên đọc như thế nào để thể hiện được cái hay của bài thơ.
- Giáo viên hướng dẫn cách đọc: giọng tha thiết, nhẹ nhàng, chú ý những từ ngữ miêu tả, bộc lộ cảm xúc. Phần cuối bài thơ nên đọc với giọng lắng sâu hơn.
GV đọc cả bài.
Các em chú ý chú thích 1: Theo Tế Hanh, câu thơ Chim bay dọc biển đem tin cá theo là câu thơ của phụ thân ông. Đây là lời đề từ của bài thơ.
Lời đề từ là thành phần nằm ngoài tác phẩm, thường viết ở đầu cuốn sách, đầu mỗi chương, mỗi bài, nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật hoặc tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Nó cũng được coi là chìa khóa để khám phá nội dung tác phẩm. Câu thơ đề từ khá thú vị,ngắn gọn, giản dị nhưng lại hàm súc, trữ tình. Nó chia làm 2 vế. Vế 1 chim bay dọc biển: tả cảnh miền biển, gợi không khí yên bình. Vế 2 mang tin cá là bức tranh cuộc sống làng chài. 
Chúng ta tiếp tục tìm hiểu phần 2.
? Theo em, bài thơ có thể chia làm mấy phần? Nội dung từng phần.
Để dễ phân tích, cô chia bài thơ thành 2 phần
Cô và các em cùng phân tích bài thơ này theo bố cục trên. Chúng ta sang phần 3.
 GV đọc 2 câu thơ đầu.
? Qua 2 câu thơ đầu, tác giả Tế Hanh muốn giới thiệu điều gì.
- Giới thiệu chung về quê hương.
? Tác giả giới thiệu về làng trên những phương diện nào.
HS: 2 phương diện: nghề nghiệp và vị trí.
Lời giới thiệu tự nhiên, bình dị, mộc mạc. Tác giả sử dụng từ ngữ làng tôi, vốn; sử dụng hình ảnh quen thuộc: nghề chài lưới, cách biển nửa ngày sông. 
(hiệu ứng gạch chân).
? Cụm từ “Làng tôi” mở đầu bài thơ gợi cho ta cảm nhận được cảm xúc nào của tác giả Tế Hanh?
GV: Cụm từ “Làng tôi” mở đầu bài thơ thể hiện niềm tự hào thầm kín của Tế Hanh về làng quê mình. Hơn một lần trong thơ, ông nói về làng quê trong mối quan hệ sở hữu như thế: 
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre.
? Qua 2 câu thơ, em hình dung như thế nào về làng quê của Tế Hanh.
+ Từ ngữ: sử dụng nhiều tính từ (trong, nhẹ, hồng)
+ Phép tu từ liệt kê: trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng.
GV: Thiên nhiên tươi đẹp với không gian khoáng đạt, bao la, nhuốm sắc hồng của bình minh tươi sáng, trong trẻo. Đây là dấu hiệu của chuyến ra khơi yên lành, cho nhiều tôm cá. Dấu hiệu này có lẽ đã được dự báo từ những cánh chim bay dọc biển- những cánh chim hiền hòa mang theo một thông điệp của thiên nhiên về những ngày trời yên bể lặng. Trên nền cảnh ấy, người dân chài ra khơi khỏe khoắn, vạm vỡ, hăng hái mê say, phơi phới niềm vui.
GV: Nói về cảnh ra khơi của những người dân chài, không thể thiếu hình ảnh con thuyền và cánh buồm.
+ Chiếc thuyền nhẹ, hăng – con tuấn mã
+ Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.
? Các em ạ, khi bình những câu thơ này, có ý kiến cho rằng câu thơ Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã hay hơn câu thơ Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã. Em đồng ý không? Vì sao?
Hăng và băng đều gợi được tốc độ nhanh của con thuyền. Nhưng hăng còn gợi được khí thế, sức mạnh, nội lực của con thuyền, còn băng thì không.
? Ngoài cái hay của từ hăng, câu thơ còn có nét đặc sắc gì về nghệ thuật.
? Qua đó, em hình dung như thế nào về hình ảnh con thuyền khi ra khơi.
GV: Chỉ với 2 câu thơ, với nghệ thuật so sánh đặc sắc: lấy cái cụ thể so sánh với cái cụ thể (chiếc thuyền với con tuấn mã), kết hợp với các động từ mạnh (hăng, phăng, vượt), các tính từ (nhẹ, mạnh mẽ) đã diễn tả khí thế mạnh mẽ của con thuyền khi ra khơi. 
Trong Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận cũng đã từng miêu tả:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng.
Con thuyền của Huy Cận lướt sóng ra khơi trong sự giao hòa với thiên nhiên: mây cao, biển bằng thì con thuyền của Tế Hanh ra khơi với sức mạnh phi thường của nó: Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cùng với hình ảnh con thuyền ra khơi là hình ảnh cánh buồm.
? Cánh buồm được đánh giá là một trong những hình ảnh đẹp trong bài thơ. Hãy nêu cảm nhận của em về hình ảnh thơ này.
- Cánh buồm là một hình ảnh đẹp, đầy sáng tạo. Khi miêu tả cánh buồm, tác giả sử dụng nghệ thuật so sánh: lấy cái cụ thể hữu hình (cánh buồm) so sánh với cái trừu tượng vô hình (mảnh hồn làng). Hình ảnh so sánh ấy vừa gợi ra được cái hình, vừa gợi được cái hồn của sự vật. Cánh buồm mang vẻ đẹp bay bổng, trở nên lớn lao, thiêng liêng, là biểu tượng của linh hồn làng chài. Hình ảnh cánh buồm Rướn thân trắng bao la thâu góp gió vừa gợi tả niềm vui, sự sung mãn, gợi tả được cuộc sống làm ăn phát triển, đồng thời chứa cả niềm tin, hi vọng của người dân chài.
GV chuyển ý:
Tiếp theo cảnh ra khơi đánh cá, tác giả miêu tả cảnh đánh cá trở về trên bến.
GV đọc 4 câu thơ, chiếu trên màn hình.
? Cảnh đánh cá trở về trên bến được tái hiện qua những hình ảnh nào.
- ồn ào, tấp nập, cá đầy ghe, cá tươi ngon thân bạc trắng
(GV chiếu)
? Em có nhận xét gì về cái đặc biệt của câu thơ “Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”.
Hình thức: đặt trong dấu ngoặc kép.
GV: Đây chính là tiếng lòng của người dân chài sau một chuyến ra khơi. Đó là lời cảm tạ thiên nhiên trời yên bể lặng che chở cho những người con làng chài bình yên trở về và mang theo những mẻ cá đầy ghe.
Sau không khí lao động tươi vui là hình ảnh những người dân chài.
? Hình ảnh người dân chài được Tế Hanh miêu tả qua câu thơ nào.
HS đọc (2 câu thơ). GV chiếu.
? Cảm nhận của em về cái hay trong 2câu thơ trên. 
GV: Nếu khi ra khơi, vẻ đẹp của người dân chài được miêu tả khái quát qua khí thế vui tươi hào hứng, thì khi trở về lại được miêu tả chi tiết cụ thể, vừa chân thực qua hình ảnh làn da ngăm rám nắng: làn da ngăm đen, nhuốm màu nắng gió biển khơi. Ẩn chứa trong đó là cuộc sống lao động vất vả của những người dân chài. Đồng thời, họ hiện lên với vẻ đẹp lãng mạn của thân hình nồng thở vị xa xăm, đó là vẻ đẹp vạm vỡ, khỏe khoắn, có vị mặn mòi của biển cả. Hình ảnh người dân chài trong ngòi bút của Tế Hanh gợi cô nhớ đến vẻ đẹp người dân chài cùng cánh tay săn chắc: Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng trong thơ Huy Cận. Hai cảm nhận khác nhau, của 2 nhà thơ khác nhau, ở 2 thời điểm khác nhau nhưng đều có nét chung là đều tái hiện được vẻ đẹp của người dân chài miền biển với nét đặc trưng của riêng họ, gợi những liên tưởng thú vị.
GV chiếu hình ảnh.
? Hình ảnh này gợi cho em nhớ đến câu thơ nào trong bài thơ.
HS trả lời.
? Cảm nhận của em về cái hay của 2 câu thơ trên.
HS trả lời: 
+ Nhân hóa chiếc thuyền qua từ ngữ: im, mỏi, nằm: con thuyền giống như con người, biết mỏi mệt sau chuyến ra khơi, trở về bến nằm nghỉ.
- Ẩn dụ: Nghe: con thuyền lắng nghe chất muối, vị mặn của biển thấm vào cơ thể mình. 
Các biện pháp nghệ thuật làm cho con thuyền trở nên sinh động, có hồn.
GV: Khi ra khơi, con thuyền được miêu tả hăng như con tuấn mã thì khi trở về con thuyền được nhân hóa, nó cảm thấy mỏi mệt trên bến. Tác giả sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác qua từ nghe. Con thuyền thư thái lắng nghe chất muối, nghe hương vị của biển đang thấm sâu, và lặn dần vào cơ thể mình. Câu thơ còn gợi lên 2 chủ thể đẹp và nên thơ, đó là thuyền và bến. Hình ảnh thơ thuyền và bến luôn gắn bó với nhau: bến đợi thuyền trở về, thuyền tìm về với bến để về với bến đỗ bình yên, nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả. Hình ảnh thơ thuyền và bến đã vượt khỏi tầm kiểm soát trong cảm xúc của nhà thơ Tế Hanh, nó không chỉ gợi lên cảnh bình yên của làng chài mà còn gợi ra hình ảnh quen thuộc của làng quê đất Việt với nét êm đềm của cây đa, bến nước... đánh thức tình cảm thiêng liêng trong trái tim mỗi con người Việt Nam: tình yêu quê hương đất nước.
 Với Tế Hanh, quê hương bao giờ cũng gần gũi, thân thương mà thiêng liêng, cao cả. Trong trái tim của chàng trai vừa tròn 18 tuổi xa quê hương, tình cảm với quê hương có gì đặc biệt, chúng ta cùng chuyển sang phần b.Tình cảm của nhà thơ đối với quê hương.
HS đọc 4 câu kết.
? Những từ ngữ nào thể hiện tình cảm của nhà thơ với quê hương.
HS trả lời. HS khác bổ sung. GV chốt.
? Khi nhớ quê, tác giả đã nhớ đến những hình ảnh nào?
HS trả lời: màu nước xanh, cá bạc, buồm vôi, con thuyền rẽ sóng ra khơi, mùi nồng mặn.
? Em có nhận xét gì về cách thể hiện nỗi nhớ của nhà thơ. 
? Qua cụm từ luôn tưởng nhớ, em có cảm nhận gì về nỗi niềm của tác giả đối với quê hương?
HS: Nỗi nhớ quê luôn thường trực trong lòng, đau đáu, da diết, cháy bỏng khôn nguôi.
? Cảm nhận của em về cái hay của câu thơ kết?
HS cảm nhận.
GV: Câu thơ kết thể hiện trọn vẹn nỗi nhớ của nhà thơ. Nỗi nhớ đó giản dị, tự nhiên mà sâu sắc. Xa quê, nhà thơ nhớ tới tất cả những hình ảnh thân quen: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi, và rồi hội tụ, kết đọng lại ở mùi nồng mặn quá. Phải chăng đây là vị xa xăm, mặn mòi của biển khơi, là nét riêng, là hồn thiêng của làng chài ven biển. Bài thơ kết thúc mà tình cảm luôn đầy ắp sau mỗi câu chữ, mỗi hình ảnh: đẹp, thơ mộng, chân thực, gần gũi mà lớn lao, thiêng liêng vô cùng.
? Qua đó ta thấy tình cảm của tác giả với quê hương như thế nào?
Bây giờ cô và các em cùng khái quát lại những nét chung về nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa của bài thơ. Chúng ta sang phần 4.Tổng kết.
? Khái quát những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa của bài thơ.
Hướng dẫn: -HS tự khái quát vào vở, có thể sử dụng sơ đồ tư duy.
- GV thu vở, chiếu 3 bài để HS quan sát.
GV chốt.
- Học sinh đọc ghi nhớ.
II. Đọc- hiểu văn bản
1. Đọc, chú thích
* Đọc
* Chú thích
2. Bố cục: 2 phần
- Phần 1: khổ 1, 2, 3: Hình ảnh quê hương
- Phần 2: khổ 4: Tình cảm của nhà thơ với quê hương.
3. Phân tích
a. Hình ảnh quê hương
a1. Giới thiệu chung về quê hương
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
	 nghề: chài lưới
- Phương diện: 
 Vị trí: cách biển nửa ngày sông
→ Lời giới thiệu tự nhiên, bình dị, mộc mạc, chân thành.
- Niềm tự hào thầm kín của tác giả.
=> Quê hương Tế Hanh là một làng chài ven biển.
a2. Cảnh ra khơi đánh cá
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
 Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
- Nghệ thuật miêu tả:
+ Từ ngữ gợi tả, gợi cảm: dân trai tráng, tính từ (trong, nhẹ, hồng)
+ Phép liệt kê: trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
→ So sánh, động từ mạnh, tính từ. 
=> Con thuyền ra khơi mạnh mẽ và tràn đầy khí thế.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
 Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
→ So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, động từ mạnh.
=> Cánh buồm trở nên gần gũi, lớn lao, thiêng liêng, là biểu tượng cho linh hồn làng chài, ẩn chứa niềm tin, hi vọng của những người dân chài.
a3. Cảnh đánh cá trở về trên bến
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
- Hình ảnh: ồn ào, tấp nập, cá đầy ghe, cá tươi ngon thân bạc trắng.
→Tính từ gợi tả.
=>Không khí đông vui, rộn ràng, náo nức, gợi cuộc sống ấm no.
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
+ Làn da ngăm rám nắng: da ngăm đen, trải qua nhiều nắng gió biển khơi.
+ Thân hình nồng thở vị xa xăm: mang hơi thở của đại dương, vị mặn mòi của biển cả.
- Bút pháp tả thực kết hợp lãng mạn. 
=> Những người dân chài mang vẻ đẹp dạn dày, khỏe khoắn, vạm vỡ.
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
- Nghệ thuật nhân hoá (mỏi trở về nằm), ẩn dụ (nghe).
=>Con thuyền trở nên sinh động, có hồn.
b. Tình cảm của nhà thơ với quê hương
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
 Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
 Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
 Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá !
 luôn tưởng nhớ.
 Tôi thấy nhớ... quá	
 Biểu cảm trực tiếp. 
 Biện pháp tu từ: điệp ngữ, liệt kê.
 Giọng thơ: sâu lắng
=> Nỗi nhớ quê đau đáu, thường trực, da diết trong trái tim nhà thơ.
=> Tình yêu quê hương tha thiết, sự gắn bó thủy chung, sâu nặng với quê hương làng chài của nhà thơ Tế Hanh.
4. Tổng kết
Sơ đồ tư duy:
Hoạt động 3: Luyện tập
a) Mục tiêu:
- Học sinh biết vận dụng kiến thức vừa học giải quyết bài tập cụ thể
- Rèn kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào viết bài.
b) Nội dung:Thực hiện các yêu cầu GV giao
c) Sản phẩm: Phần làm bài tập của HS
d) Tổ chức thực hiện
Bài tập: Kể tên những tác giả, tác phẩm thuộc phong trào Thơ mới mà em đã học trong chương trình Ngữ văn 8. Cách viết của nhà thơ Tế Hanh với các nhà thơ kể trên có gì giống và khác nhau?
Em thấy rằng BT này có 2 yêu cầu. hãy suy nghĩ và giải quyết từng yêu cầu của BT 
Đầu tiên, em hãy nhớ lại, những tác phẩm thuộc phong trào thơ mới mà em đã học trong CT Ngữ văn 8 gồm có: Muốn làm thằng cuội - Tản Đà, 
Ông đồ - Vũ Đình Liên, Nhớ rừng - Thế Lữ.
Tác phẩm
Đặc điểm
Quê hương
- Tế Hanh
Muốn làm thằng cuội - Tản Đà, 
Ông đồ - Vũ Đình Liên, Nhớ rừng - Thế Lữ.
Giống nhau
Đều bộc lộ tình cảm với quê hương đất nước.
Khác nhau
Trong sáng, khỏe khoắn, mang hơi thở nồng ấm của cuộc sống.
Thể hiện cái tôi cá nhân với tình cảm buồn bã, hoài cổ.

IV. Vận dụng
a) Mục tiêu:
- Học sinh biết vận dụng kiến thức vừa học giải quyết bài tập cụ thể
- Rèn kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào viết bài.
b) Nội dung:Thực hiện các yêu cầu GV giao
c) Sản phẩm: Phần làm bài tập của HS
d) Tổ chức thực hiện
Bài tập 
? Em biết tác phẩm nào cùng viết về đề tài quê hương? Hãy đọc một vài câu thơ, câu văn viết về quê hương mà em thích trong tác phẩm đó? Những tp ấy đã bồi đắp cho em những tình cảm gì? 
- Có rất nhiều phẩm viết về chủ đề qh, các em cùng tìm và ghi vào trong sổ tay Ngữ văn của mình những câu thơ em thích nhất nhé. (bài thơ Quê hương của Giang Nam, Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, Quê hương của Đỗ Trung Quân)
Sau đây, cô mời các em nghe đoạn bài hát Quê hương của Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đỗ Trung Quân để cảm nhận tình yêu quê hương tha thiết của các tác giả.
 Bài học hôm nay khép lại tại đây. Cô hi vọng bài thơ Quê hương của Tế Hanh sẽ làm tròn sứ mệnh văn chương của nó, như Hoài Thanh đã từng nói: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện những tình cảm ta sẵn có. Mong rằng trong mỗi chúng ta tình yêu quê hương sẽ được bồi đắp thêm, để tình cảm ấy trở thành mạch nguồn chảy mãi không bao giờ vơi cạn.
Về nhà 
- Học thuộc bài thơ và nắm chắc nội dung bài học.
- Soạn bài thơ Khi con tu hú theo hệ thống câu hỏi SGK.
- Hoàn thiện bài văn ngắn với chủ đề “Quê hương trong trái tim em” (thực hiện trong tiết Tổng kết phần Văn).
- Sưu tầm và chép lại một số câu thơ, đoạn thơ về tình cảm quê hương mà em thích nhất.

Tài liệu đính kèm:

  • docgiao_an_ngu_van_lop_8_tiet_77_van_ban_que_huong_nam_hoc_2021.doc